18
11/2022
Nhắc đến Hà Nội không thể không nói tới hồ Tây. Vị trí độc đắc về phong thủy, nơi hội tụ tinh hoa truyền thống và tín ngưỡng dân tộc, nơi quy tụ truyền thuyết và thần thoại mấy nghìn năm,… tất cả những điều này đã khiến cho Hồ Tây trở thành rốn rồng của dân tộc, hội tụ vượng khí của đất trời Hà Nội.
Nhắc đến Hà Nội không thể không nói tới hồ Tây. Vị trí độc đắc về phong thủy, nơi hội tụ tinh hoa truyền thống và tín ngưỡng dân tộc, nơi quy tụ truyền thuyết và thần thoại hàng nghìn năm,… tất cả những điều này đã khiến cho Hồ Tây trở thành rốn rồng của dân tộc, hội tụ vượng khí của đất trời Hà Nội.
Trong những năm gần đây, khu vực quanh Hồ Tây luôn được coi là “mảnh đất màu mỡ” để các sản phẩm bất động sản cao cấp khẳng định dấu ấn đậm nét trong tâm thức của người dân thủ đô. Trong đó, Tây Hồ Tây, khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) – khu đô thị sinh thái kiểu mẫu, hội tụ tinh hoa của lối sống sang trọng lịch lãm với sân Golf 18 lỗ tiêu chuẩn Quốc tế và hệ thống cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, đã trở thành niềm tự hào của bất cứ ai sinh sống tại nơi được mệnh danh là “khu nhà giàu” của Hà Nội này.
Nhiều chủ đầu tư lớn đã dành nhiều tâm huyết để “chi khủng” vào “mỏ vàng” đắc địa nhất khu Tây Hồ Tây này, trong đó có Tập đoàn Sunshine Group với hàng loạt dự án trải dọc bờ sông Hồng như Sunshine City, Sunshine Riverside, Sunshine Golden River (thuộc dòng Sunshine Apartment), Sunshine Wonder Villas, Sunshine Legend Villas (thuộc dòng Sunshine Villas), Sunshine Crystal River (thuộc dòng Sunshine Sky Villas), Sunshine Empire…
Điều gì đã khiến mảnh đất này thu hút Sunshine Group mạnh mẽ đến như vậy? Bài viết “Tây Hồ, địa linh nhân kiệt, xứ sen ít nơi nào sánh kịp” của Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến dưới đây sẽ giúp độc giả hiểu hơn về mảnh đất “long mạch” này cũng như giải mã về sức hút thực sự của khu vực “đất vàng” quanh Hồ Tây.
Hồ Tây không chỉ là “lá phổi” khổng lồ cho toàn Thăng Long xưa và Hà Nội nay, không chỉ là một con hồ điều hòa, luôn cân đối lượng nước, tránh ngập lụt cho cả thành phố, mà đó còn là vùng đất thiêng, nơi sản sinh tâm thức của người Hà Nội xưa, hay nói rộng hơn đó cũng chính là tâm tức người Việt cổ. Về góc nhìn tâm linh, cùng với sông Tô Lịch, Hồ Tây được xem như một địa danh tụ thủy.
Vậy tụ thủy là gì?
Cũng như sông Tô Lịch, Hồ Tây vừa là long mạch, vừa là nơi tụ thủy. Tất cả những nơi có tụ thủy thì đều có năng lượng rất lớn từ vũ trụ truyền xuống, cho nên ở đó thì sẽ có rất nhiều người tài – người ta gọi là tụ nhân. Đã có tụ thủy thì sẽ có tụ nhân. Hay nói một cách dễ hiểu, Hồ Tây là nơi địa linh nhân kiệt, là nơi sản sinh ra lượng lớn những giá trị vật thể và phi vật thể.
Các giá trị vật thể hay phi vật thể của Hồ Tây đan xen, quất quýt, gắn chặt với nhau như hai mặt của một vấn đề. Nó được thể hiện qua các truyền thuyết sống động, các ghi chép trong sử sách về địa danh này.
Những truyền thuyết gắn liền với Hồ Tây hay tên gọi của Hồ Tây nhiều vô kể. Nổi tiếng nhất có lẽ là sự tích Lạc Long Quân diệt hồ ly tinh ở ngay tại nơi này, được ghi trong Lĩnh Nam chính quái.
Theo đó, khi xưa ở phía tây kinh thành có hòn núi đá lớn bên sông, dưới núi có hang động và cũng là nơi trú ngụ của một con cáo chín đuôi. Nó sống lâu đến nghìn năm rồi hóa thành tinh, chuyên đi làm điều độc ác, hãm hại dân lành ở khu vực xung quanh Hồ Tây. Sự ác ôn của con hồ ly tinh này không ai không biết, nó khiến vô số người phải bỏ nhà cửa, làng xóm, bỏ cả ruộng đồng tránh đi nơi khác.
Khi biết tin, Lạc Long Quân lập tức tìm đến để trừ hại cho dân. Cuộc chiến đầy cam go, quyết liệt diễn ra nhiều ngày đêm, dù con cáo chín đuôi có tài phép thế nào cũng không địch lại Lạc Long Quân, buộc phải quay trở lại hang ổ của nó ở dưới núi đá. Đến cuối cùng, Lạc Long Quân cũng tiêu diệt được hồ ly, giải cứu cho dân lành bị bắt cóc trong hang sâu, cho họ miếng đất gần đó để làm ăn sinh sống, lập nên làng Hồ Khẩu. Còn nơi hồ ly tinh bị giết sau này có tên hồ Xác Cáo – là Hồ Tây bây giờ.
Một cái tên khác – Kim Ngưu (Trâu Vàng) cũng có lai lịch không hề tầm thường. Truyền thuyết kể rằng, đời nhà Lý, nước ta có Nguyễn Minh Không sang Trung Quốc chữa bệnh cho con vua Tống. Khi hoàng tử khỏi bệnh, vua Tống trả ơn bằng cách cho phép Minh Không vào kho báu chọn món đồ theo ý thích và lấy bao nhiêu tùy thích nhưng Minh Không chỉ lấy đồng đen (vì đồng đen được coi là “mẹ” của vàng) cho vào bao mang về dâng vua Lý. Vua sai đem chỗ đồng đen ấy đúc thành cái chuông.
Chuông đúc xong mang ra đánh thử. Tiếng chuông vang vọng sang tận Trung Quốc. Nghe tiếng chuông ngân, trâu vàng ở bên ấy lồng lên chạy về nơi phát ra tiếng âm thanh. Đến khu rừng phía bắc thành Thăng Long thì tiếng chuông im bặt. Trâu vàng mất phương hướng đã lồng lên đi tìm và giẫm nát cả một khu rừng, còn đất thì lún xuống thành hồ. Những nơi trâu đi thành sông mà ngày nay còn lại di tích, đó là sông Kim Ngưu. Vua sai ném chuông xuống hồ để trâu khỏi lồng thì quả thật nó đã lặn theo. Từ đó, hồ có tên là Kim Ngưu và dân gian còn truyền tụng:
“Trâu vàng ẩn mãi giữa hồ,
Nước dù cạn vẫn mịt mù tăm hơi”.
Cũng theo truyền thuyết này, nếu ai sinh đủ mười người con trai thì có thể đến hồ gọi trâu vàng về. Một lần có người đến gọi được trâu vàng lên khỏi mặt nước và dắt vào bờ. Bỗng nhiên, thừng bị đứt, trâu vàng chui ngay vào hang ở gần đó, dân lập đền thờ gọi là đền Kim Ngưu (gần phủ Tây Hồ hiện nay). Về sau mới biết, người gọi trâu thì ra chỉ có chín con trai ruột, người còn lại là con trai nuôi.
Theo sách Hồn sử Việt, khi vua Lý Công Uẩn dời Hoa Lư lập kinh đô Thăng Long, thấy hồ Kim Ngưu đẹp nên ông thường xuyên tổ chức du ngoạn. Và không ít lần trong những chuyến du trên hồ, sương mù đã bao phủ thuyền của vua tạo ra cảnh tượng vô cùng huyền ảo vì vậy hồ được đổi tên là Dâm Đàm. Nhưng theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Năm 1573 vua Lê Thế Tông lên ngôi tên húy là Duy Đàm, kiêng húy cấm không được gọi hồ Dâm Đàm, mà đổi gọi là Tây Hồ. Cái tên Tây Hồ có từ đó”.
Ngoài lý do trên, có lẽ việc đặt tên này nhằm sánh với phương Bắc, vì ở Hàng Châu cũng có Tây Hồ nổi tiếng trên đất Trung Quốc. Tây Hồ là hồ ở phía tây nhưng theo tiếng Hán đọc là Tây Hồ. Đến đời Tây Đô Vương Trịnh Tạc, năm 1657 vì kiêng chữ Tây nên các địa danh nào có chữ Tây đều bị đổi thành Đoài (Đoài nghĩa là phía Tây) bởi vậy Tây Hồ được gọi là Đoài Hồ. Nhưng dân Thăng Long vẫn gọi là Tây Hồ.
Đến triều nhà Tây Sơn, quan niệm về húy kỵ có khác. Sách Đào Khê dã sử kể, sau khi tiêu diệt quân Thanh, thống nhất Đại Việt, vua Quang Trung đã lưu lại Thăng Long một thời gian ở để chiêu hiền đãi sỹ và ổn định Bắc Hà.
Một hôm, vua ngự thuyền chơi Tây Hồ, theo hầu có một văn thần họ Đỗ vốn là tiến sĩ nhà Lê, vì muốn lấy lòng vua ông này đã tâu xin vua đổi tên hồ. Quang Trung nghe lời tâu rất ngạc nhiên hỏi vì sao lại phải đổi thì văn thần này trả lời tên hồ trùng với quê vua (Tây Sơn, phủ Qui Nhơn, tỉnh Bình Định).
Quang Trung nghe xong cười to nói: “Tây Hồ là danh thắng của Thăng Long, người Thăng Long bao đời vẫn yêu quý Tây Hồ, lưu luyến Tây Hồ, lẽ nào nay vì trẫm mà phải đổi tên hồ quen thuộc? Vả chăng trẫm từ Tây Sơn đến với nhân sĩ, hiền tài Bắc Hà chẳng tốt lắm ru? Khách Tây Sơn, cảnh Tây Hồ đó là duyên tao ngộ, cùng nhau còn nhiều gắn bó, hẹn hò, cảnh chẳng phụ người, làm sao người lại phụ cảnh? Nhà ngươi muốn trẫm làm một việc vô nghĩa với dân Bắc Hà sao?”.
Có một điều, dù là tên nào, gắn với truyền thuyết dân gian hay được ghi chép tại chính sử, thì điều đó cũng phản ánh được các thời kỳ lịch sử của Hồ Tây gắn liền với giá trị Thăng Long. Nó đi ra từ trong chính tâm thức của người Việt cổ. Vậy hiểu đúng thì tâm thức ở đây là gì?
Thực tế, người ta không thể xác minh chính xác được rằng truyền thuyết nào là thật, truyền thuyết nào dựa trên sự thật mà có phần biến tấu, hay truyền thuyết nào được dân gian hóa hoàn toàn. Bởi lẽ, trong truyền thuyết, người ta thường sử dụng những cách nói quá, khoa trương hơn, phóng đại hơn hoặc thần thánh hóa các sự vật, hiện tượng.
Tuy vậy, tựu chung lại, những truyền thuyết này là sản phẩm tinh thần của người Hà Nội nói riêng và người Việt cổ nói chung. Bất cứ ai, dù ở thời nào cũng đều cần một chỗ dựa về mặt tinh thần thì mới có thể sống được. Đó chính là sự khai mở về mặt tâm thức. Không có truyền thuyết, không có chỗ dựa tinh thần, không có tâm thức, họ không sống nổi. Bởi trong chính những truyền thuyết đó, cái thiện luôn chiến thắng cái ác, người tốt luôn đánh bại được những thế lực hắc ám.
Tức là ở đây, con người cần dựa vào một giá trị tư tưởng để tồn tại, đó chính là tâm thức.Có thể nói, những truyền thuyết về Hồ Tây, từ tên gọi cho đến những câu chuyện dân gian đều có giá trị rất lớn về mặt tâm thức, là sản phẩm về mặt tinh thần của người Việt cổ, là giá trị phi vật thể không thể cân đong đo đếm.
Ngược dòng quá khứ, không ai biết Hồ Tây hình thành từ bao giờ, chỉ biết đã rất xa xưa rồi, chắc chắn có từ trước công nguyên. Rồi người ta cũng đặt ra giả thiết là nó là một khúc sông hồng ngày xưa, khi lũ lụt lớn quá nước đổ vào đấy, sau đó hình thành một cái hồ, có thể coi là hồ thiên tạo.
Cũng có người cho rằng Hồ Tây xưa là khúc uốn của sông Hồng khi sông đổi dòng chảy lấn về bờ bên kia đã để lại một hồ nước, giống như việc sông Hồng đổi dòng đã tạo ra hồ Lục Thủy. Thực tế thì sông Hồng đã nhiều lần đổi dòng khiến cửa sông Cà Lồ (ở xã Trung Hà, huyện Yên Lạc Vĩnh Phúc) bị cát bồi lấp dẫn tới Cà Lồ trở thành con sông chết. Nếu chấp nhận giả thuyết đó thì Hồ Tây có từ bao giờ vẫn là câu hỏi không dễ trả lời.
Rồi cũng từ nơi đây, có những ghi chép về việc Hai Bà Trưng từng đánh trận những năm đầu công nguyên hay Lý Nam Đế chống quân xâm lược nhà Lương thì khi đó Hồ Tây cũng đã có rồi. Từ đó để có thể thấy, con hồ hình bán nguyệt cứ lặng lẽ sánh bước cùng Hà Nội cũng đã có lịch sử hàng ngàn năm tuổi.
Nếu như nói Hồ Tây được hình thành từ trước cả công nguyên, vậy trước đây hình hài của nó như thế nào? Nó đứng trơ trọi hay hòa mình vào mạng lưới sông nước của Thăng Long xưa? Nguồn nước của Hồ Tây đến từ đâu?
Để hiểu được ngọn nguồn, chúng ta lại một lần nữa phải ngược dòng lịch sử, truy nguyên về thời kỳ đầu tiên của địa danh này. Kể từ thời xa xưa cho đến thế kỷ 17, Hồ Tây vẫn cung cấp nước bởi 3 nguồn chính. Một là sông Thiên Phù, ở phía Tây Bắc Thăng Long. Cửa sông bắt nguồn từ làng Phú Thượng, Nhật Tân, chảy qua Xuân La, Xuân Đỉnh rồi đến ngã ba chợ Bưởi. Nguồn thứ hai nữa là nước do sông Tô Lịch cấp, ở hai cửa sông là Chợ Gạo và Giang Khẩu. Ngoài ra, một nguồn nước khác cũng có thể coi cung cấp nước cho Hồ Tây là nước mưa. Đây là nguồn rất lớn, bởi hàng năm đến mùa mưa thì nước mưa đổ xuống miền bắc rất nhiều mà Hồ Tây là hồ rộng nên nó tích được lượng lớn nước.
Bên cạnh đó, vì đáy sông Hồng ở cửa sông Thiên Phù cao hơn đáy sông Hồng ở đoạn Hà Khẩu nên vào tháng không mưa, nước sông Hồng chảy vào Thiên Phù, qua Tô Lịch vào Hồ Tây, tiếp tục đưa nước ra cửa Hà Khẩu nhập với dòng sông Hồng. Nhưng trong tháng mưa lũ, do nước từ đầu nguồn dồn về liên tục nên nước sông Hồng dâng cao đã đẩy nước chảy vào Tô Lịch và dĩ nhiên đổ một phần vào Hồ Tây. Vì thế trước đây ở sông Tô Lịch có hiện tượng nghịch thủy.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc này chỉ kéo dài đến thế kỷ 17 bởi sau đó sông Thiên Phù bị cát bồi lắng ngoài cửa sông dẫn đến dần dần biến mất và Hồ Tây mất đi một nguồn cấp nước không nhỏ. Thời điểm chính xác sông Thiên Phù biến mất thì khó mà nói ra tường tận, nhưng chắc chắn nó rơi vào khoảng cuối thế kỷ 17. Đến lúc này, Hồ Tây chỉ còn hai nguồn cung chính đến từ sông Tô Lịch và lượng nước mưa hàng năm.
Vào mùa mưa, nước Hồ Tây dâng lên rất cao, do nước sông Tô Lịch đổ vào, nhưng đến mùa khô thì ngược lại, Hồ Tây trở thành nơi cung cấp nước cho sông. Cho đến cuối thế kỷ 19, năm 1889, khi mà xây chợ Đồng Xuân, người Pháp mới lấp đoạn đầu của sông Tô đi để xây dựng, nay tương ứng với đoạn chợ Đồng Xuân, khu vực Hàng Chiếu, ăn ra Hàng Lược, thì người ta lấp đoạn đấy để làm chợ. Sau đó mới làm cống bê tông ra tận Phan Đình Phùng, chỗ gần trường Chu Văn An bây giờ. Tính cho đến lúc này, Hồ Tây chỉ còn lại nguồn nuớc chính là lượng mưa hàng năm
Nhưng mặt khác, Hồ Tây cũng xuất hiện thêm một nguồn cung mới dù không đáng kể, đó là một phần nước thải của phía Bắc thành phố chảy ra. Nghĩa là khi người ta cống hóa đoạn đầu sông Tô Lịch, thì đồng thời cũng làm hệ thống thoát nước ở phía Bắc chảy ra đoạn cống đấy và nó chạy theo đoạn sông Tô Lịch còn lại chảy về Hồ Khẩu rồi đổ vào Hồ Tây. Nhưng lượng nước sinh hoạt thải ra hồ về cơ bản không nhiều và quan trọng là lúc đó, nó cũng không gây ô nhiễm cho hồ. Cuối cùng, khi người Pháp phá thành vào năm 1897 thì họ cũng lấp đoạn sông Tô Lịch còn lại và đoạn ở làng Hồ Khẩu ngày nay. Tức là tính từ cuối thế kỷ 19, nguồn nước duy nhất cung cấp cho Hồ Tây là nước mưa.
Nhiều năm trở lại đây, mỗi khi vào mùa sen, thiếu nữ khắp nơi lại lên Hồ Tây, diện áo yếm, áo dài chụp ảnh với hoa sen. Không còn là trào lưu nhất thời, điều đó đã trở thành một hoạt động văn hóa đẹp, lãng mạn, thấm sâu trong đời sống hiện đại ngày nay. Cũng không biết nét văn hóa này bắt đầu từ bao giờ, nhưng trước đây vài chục năm thì không hề có. Câu chuyện về sen Hồ Tây ngày xưa khác.
Có thể nói, khắp cả nước đâu đâu cũng có sen, riêng Hà Nội đầu thế kỷ 20 còn rất nhiều đầm sen mênh mông như: Vọng, khu vực cuối phố Trần Quốc Toản, Liên Trì (ao sen), Lĩnh Nam, Định Công… Nhưng nói đến sen thì ít nơi đâu hơn được sen Tây Hồ. Do thổ nhưỡng, khí hậu, đặc biệt là nguồn nước hồ Tây đã tạo nên giống sen quý ở đây. Sen Tây Hồ quý vì bông lớn khi nở to như hai bàn tay mở, có trăm cánh (còn được gọi là Bách Diệp) xếp lớp bao bọc lấy nhụy, đài và gạo, giữ cho sen mùi thơm thuần khiết, ngát đượm.
Cho đến nay chưa tìm thấy sách nào ghi sen ở hồ Tây có từ bao giờ nhưng Đại Việt sử ký đã nói đến ly cung, biệt điện, tư thất của các vương hầu, công chúa, quan đại thần triều Lý bên cạnh những vạt sen thơm ngát ở Hồ Tây. Sở dĩ ly cung, biệt điện xây dựng bên vạt sen vì nhà Lý được coi là triều đại quân chủ Phật Giáo và hoa sen là biểu tượng nhiều mặt trong Đạo Phật.
Đến nhà Trần, Hồ Tây cũng là nơi nghỉ ngơi, giải trí cho các đại quan. Tuy nhiên đến nhà Lê thì nhiều ly cung biệt điện đã đổ nát. Vua Lê Tương Dực (1509-1516), một ông vua nổi tiếng ăn chơi trong lịch sử phong kiến Việt Nam đã cho sửa sang hành cung ở Dâm Đàm làm chỗ nghỉ ngơi.
Đại Việt sử ký chép, ông “vua lợn” này bày ra trò chơi “tiên nữ hái hoa sen”. Đó là bắt cung nữ trút bỏ váy áo ở trần giả làm tiên nữ chèo thuyền hái sen nở trong hồ để vua xem.
Sen đi vào ca dao Việt Nam như một biểu tượng đẹp đẽ, tinh khiết, thanh tao:
Rủ nhau ra tắm hồ sen,
Nước trong bóng mát, hương chen cạnh mình.
Hay:
Hoa sen mọc bãi cát lầm,
Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen.
Còn với sen Tây Hồ, người đầu tiên làm thơ được ghi chép lại chính là vua Lê Thánh Tông, ông có bài Hoa senbằng chữ Hán và Hoa sen non bằng chữ Nôm. Hoa sen non không chỉ đẹp mà thấy tâm hồn lãng mạn bay bổng của một ông vua có tài và tâm:
Dìu dịu Lam Điền ngọc mới tương,
Hồ thanh, sắc ánh, mặt dường gương.
Ngọc in làm dáng tiền sơ đúc,
Chàm nhuộm nên màu, tán chửa giương.
Lạt biếc mới khai mày Thái mẫu,
Thắm hồng còn kín má Vương Tường.
Khách thơ hứng nghĩ hiềm chưa đủ,
Mười trượng hoa thì mười trượng hương.
Trong Vũ trung tùy bútcủa Phạm Đình Hổ và Tang thương ngẫu lụccủa Nguyễn Án cùng viết về thú chơi của chúa Trịnh Sâm trong trung thu năm 1774: “Ngày hôm đó chúa ngự trên ly cung Thụy Liên (sen ngủ). Dưới là sen trên bờ là cây phù dung mắc đèn lồng. Nhạc công hoặc ngồi trên gác chuông chùa Trấn Quốc hoặc ẩn mình dưới bóng cây, bến đá tấu nhạc”.
Ở Nghi Tàm có ngôi miếu ở ven đường liên quan đến sen hồ Tây là miếu Bà Cô. Tương truyền cô gái họ Đoàn này đi thuyền hái sen dâng lên phủ hành cung Thụy Liên của chúa Trịnh nhưng chẳng may thuyền bị đắm cô bị chết, dân Nghi Tàm cho là cô chết trẻ nên thiêng đã lập miếu thờ.
Sen trong bài Thăm chùa Trấn Quốc của Phạm Quý Thích (1760-1825) là “Mười dặm hương sen theo gió thoảng” và “Giữa đám sen dày thuyền lướt mau”. Thượng kinh ký sự của đại danh y Lê Hữu Trác kể chuyện ông chữa bệnh cho chúa Trịnh ở biệt điện bên hồ Tây và sen đã cho ông cảm xúc đến mức bật ra thơ.
Ở nhiều địa phương, người ta chỉ dùng hạt, củ và tâm sen nhưng ở Hà Nội cây sen gần như không bỏ đi thứ gì. Dân quanh Hồ Tây hái lá già bán cho các bà, các cô làng Vòng. Cốm đầu nia gói trong lá sen già thì không gì bằng vì hai mùi quyện vào nhau tỏa mùi thơm thanh dịu trong tiết thu nhạt nắng. Dân làng Tương Mai thường dùng lá sen non gói xôi lúa vì xôi không dính lá và mùi thơm lá sen kích thích vị giác của người ăn; nhụy dùng để ướp chè, nấu rượu và hoa để thưởng thức rất tao nhã.
Chuyện cũ bên dòng sông Tô của Viên mai Nguyễn Công Chí chính là gia phả dòng họ Nguyễn Đình (làng Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) lập nghiệp ở phố Hàng Ngang từ thế kỷ XVII. Dòng họ này không chỉ giầu có, nổi tiếng về sự hiếu học ở đất Thăng Long mà còn nổi tiếng về khéo léo trong nghệ thuật ướp chè sen Tây Hồ. Đầu thế kỷ XX, dân các làng Tây Hồ, Nghi Tàm, Quảng Bá mua hoa sen của các chủ thầu gánh vào chợ Đồng Xuân và phố xung quanh bán từng gánh lớn cho các gia đình lấy nhụy ướp chè sen và cho người chơi hoa.
Trong cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, về sen hồ Tây, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn viết: “Trước đây ven hồ nhiều sen, về mùa hạ sen mọc kín, lá xanh rờn, hoa đỏ bát ngát gió đưa hơi mát đượm hương thơm lừng”. Tuy nhiên sen mọc nhiều nhất là ven bờ giáp các làng Nghi Tàm, Yên Phụ, Nhật Tân, Quảng Bá nhất là làng Tây Hồ vì đáy hồ không sâu, thoải thoải và ở đây còn có nhiều đầm và ao.
Đấy vàng đây cũng đồng đen
Đấy hoa thiên lý đây sen Tây Hồ
Ngoài sen mọc tự nhiên, dân các làng này còn trồng thêm để làm vành đai ngăn sóng hạn chế lở đất. Khi người Pháp chiếm Hà Nội và khu vực hồ Tây trở thành ngoại ô năm 1889 thì chính quyền đấu thầu quyền khai thác sản vật ở hồ gồm: cá, sen. Trúng thầu là người Pháp, họ cho người Việt thầu lại.
Sau năm 1954, nhà nước bãi bỏ thầu khai thác cá và sen hồ Tây. Năm 1958, Hà Nội thành lập Xí nghiệp nuôi và khai thác thủy sản hồ Tây. Để có nhiều cá cung cấp cho cán bộ công nhân viên, xí nghiệp đã nhập giống cá mè hoa của Trung Quốc nuôi đại trà, sợ loại cá có vảy li ti bị chết do vướng gai ở thân sen nên đơn vị này đã cho phá bỏ nhiều vạt sen quanh hồ. Từ đó diện tích sen ở hồ bị thu hẹp. Xưa nay, có nhiều cặp luôn đi với nhau, bổ xung cho nhau để hoàn thiện cái đẹp. Ca dao có câu:
Sen xa hồ, sen khô hồ cạn
Liễu xa đào liễu ngả đào nghiêng
Như Thúy kiều xa Kim Trọng biết mấy niên tái hồi
Vì mất sen nên thời bao cấp vào mùa hè, sóng hồ đánh quá mạnh khiến các nhà ở mép nước các làng Nghi Tàm, Quảng Bá, Tây Hồ… bị lở. Khu vườn chùa Thiên Niên bị sạt lớn còn trơ ngọn tháp. Những ngôi mộ ký táng xây gạch cũng trơ ra. Trong bài Sen Tây Hồ, nhà thơ Bằng Việt viết năm 1995 có câu:
Ví thử hồ sen cạn nốt
Làm gì cho thấy ngày xưa?…
Dự án qui hoạch và xây bờ kè quanh hồ thực hiện từ cuối những năm 1990 đã đặt dấu chấm cho sen trong hồ. Hiện sen chỉ còn ở vài đầm như Đầm Trị hay gần Công viên nước Hồ Tây. Dù vậy, có thể thấy sức sống của sen Tây Hồ vẫn vô cùng mãnh liệt, sen đang trở lại với đời sống hiện đại như chúng ta thấy ngày nay.
Như đã nói lúc trước, Hồ Tây là nơi sản sinh ra tâm thức của người Thăng Long nói riêng, người Việt cổ nói chung. Và tâm thức đó thể hiện rõ nhất ở các giá trị tinh thần, tôn giáo. Cho nên, không quá ngạc nhiên khi xung quanh Hồ Tây người xưa đã xây dựng một quần thể đình chùa rộng lớn và vô cùng phong phú.
Trong đó, trước nhất hãy nói về chùa Trấn Quốc. Chùa Trần Quốc ngày xưa là chùa Khai Nguyên, nằm ở ngoài đê sông Hồng. Sau đên thời Lê, do bị nước ngập, dân làng mới xin chuyển nó vào trong đê. Ở đó ngày xưa cũng là một ngôi chùa rất đẹp mà người dân làng Yên Phụ thường cho đó là của làng mình. Bằng chứng là cho đến ngày hôm nay, vào dịp giỗ chạp hội làng Yên Phụ, người dân vẫn ra chùa rước nước từ chùa về đình, rồi từ đình ra chùa. Nhưng ngày xưa có một con đường đê đắp nối từ làng ra chùa thì lễ rước sẽ dễ dàng hơn.
Còn về chùa Trấn Quốc, từng có một thời gian bị bỏ hoang, cũng có một thời gian đó là nơi thường đưa các cung nữ ra đó, gọi là hành cung của nhà Lê, của các Chúa, đêm đêm có nghe tiếng đàn rất ai oán. Chùa đó ngày xưa trấn giữ một phía của Thăng Long, nhưng không nằm trong Thăng Long Tứ Trấn. Đầu thế kỷ 20 kéo dài đến năm 1954, có vô cùng nhiều người chết đuối ở Hồ Tây. Vì thế nên chùa Trấn Quốc là nơi người ta đưa vong, đưa xương cốt của người đã mất đến. Đó là đặc điểm gắn liền với Hồ Tây lớn nhất của chùa Trấn Quốc.
Thời đó, xung quanh những câu chuyện thương tâm trên là các lời đồn đại đáng sợ mang tính mê tín dị đoan. Quanh Hồ Tây đến bây giờ vẫn còn rất nhiều người bịa đặt ra những chuyện như vậy. Ngay như năm ngoái năm kia, một tờ báo nào đó đưa là dưới đáy Hồ Tây là lăng mộ xương. Ngày xưa cũng có một nghĩa trang, một vài nghĩa địa làng. Nghĩa địa của làng Yên Phụ, nghĩa địa của làng Quảng Bá dưới Hồ Tây khi nước hồ dâng lên đã nhấn chìm nghĩa trang, nhưng các gia đình đã kịp bốc hài cốt lên, không phải ngập ngay trong một thời gian ngắn. Có nhiều người bịa đặt ra những điều rất buồn cười, ví dụ như thuỷ quái rồi hồn ma đủ thứ.
Sau chùa Trấn Quốc, còn có vô số các sự tích huyền bí liên quan đến những đình, chùa khác như đền Quán Thánh, chùa Kim Liên, chùa Tảo Sách, chùa Hoàng Ân, chùa Vạn Niên… Nhưng đặc sắc nhất có lẽ sẽ là câu chuyện về chùa Bà Đanh – một trong những sự tích mọi người thường nhầm lẫn nhiều nhất.
Chùa bà Đanh ngày xưa hình thành vào khoảng thế kỷ 15 khi vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, sau chiến thắng ông đã bắt ra nhiều tù binh người Chăm đưa ra họ ra Thăng Long và lập ra một khu riêng cho họ cho họ sinh sống đặt tên là Viện Châu Lâm. Còn người Chăm vừa có Hồi giáo, vừa có đạo Phật nên mới cho xây một ngôi chùa để cho họ cúng bái. Nhưng rồi ngôi chùa đó cứ vắng dần, là vì sao? Đó là bởi theo thời gian, từ thế kỷ 15, nhiều người Chăm hợp huyết với người Việt, lấy vợ lấy chồng người Việt, nên Viện Châu Lâm thưa dần. Rồi nhiều người muốn trở về quê nên các triều vua cũng ưng thuận nên càng ngày chùa càng vắng dần. Người Việt thì không vào đó, chùa chỉ có người Chăm thành ra ngôi chùa trở nên vắng vẻ. Mặt khác, tên của bà vãi trong chùa ấy gọi là bà Đanh nên người ta mới có câu“Vắng như chùa bà Đanh”.
Ở Kim Bảng, Hà Nam cũng có một ngôi chùa tên là Bà Đanh nhưng không phải là nơi xuất xứ của câu thành ngữ kia. Thực tế, ngôi chùa này nằm ở chân núi thì bao giờ cũng vắng. Hơn nưa, ngay cả từ chân núi đi ra làng gần nhất cũng khá xa. Chùa này vắng người qua lại chứ không phải vắng người đi lễ. Tương truyền, có một người đàn bà họ Đinh đã bỏ tiền ra xây chùa nhưng ngày xưa thì chẳng có ai giàu đến mức đó, xây chùa thì chỉ có vua, quan lại, chỉ có tiền của nhà nước thôi, nhất là thời Lý. Mà Đinh người ta gọi là Đanh nên mới gọi là chùa bà. Ngọn nguồn câu chuyện có lý do như thế nên chùa bà Đanh là ở chỗ trường Chu Văn An bây giờ mới là nơi xuất xứ của câu thành ngữ.
Dù là ở thời kỳ nào, Hồ Tây với lượng nước khổng lồ của mình cũng đem lại sinh cơ cho cư dân xung quanh và thậm chí cả những khu vực lân cận. Thuở xưa, người ta có thể dễ dàng kiếm sống nhờ vào nghề cá, nhờ vào thủy sinh của hồ hay nhờ vào chính hệ sinh thái phong phú nơi đây. Còn đối với những ngôi làng gần đó, như làng giấy Yên Thái, làng dệt Bái Ân, làng rượu Thụy Chương, làng chuỗi tơ Nghi Tàm… nguồn nước từ Hồ Tây là thứ không thể thiếu.
Trong giai đoạn sông Thiên Phù và sông Tô lịch còn chưa bị lấp, vào mùa mưa nước sông Hồng vào Hồ Tây đã mang theo rất nhiều tôm cá. Vào hồ gặp điều kiện thuận lợi, chúng sinh sôi nảy nở, phát triển mạnh mẽ và hoàn toàn là nguồn gốc tự nhiên. Vì thế các làng quanh hồ như Yên Phụ, Nghi Tàm, Xuân Tảo, Võng Thị sinh ra nghề đánh cá. Xa xưa như bài Tụng phú Tây Hồ của Nguyễn Hữu Lượng cũng đã có ghi chép về việc này:
“Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co”.
Lúc đó, tôm cá, thủy sinh rất phong phú vì các nguồn cá từ phía thượng lưu sông Hồng đổ về có đủ các loại, có cá chép mình đỏ, các chép mình trắng rồi cá trắm đen… nhưng để nói về đặc sản rất nổi tiếng của Hồ Tây, đó phải là cá chép đen, chúng đen bóng như nhung và bắt lên thì da óng ánh như the vậy. Rồi cũng không thể không nhắc tới tôm hồng hay cà cuống, sâm cầm, những đặc sản nổi tiếng ở Hồ Tây trong nhiều thế kỷ. Cho đến những năm 60 70 của thế kỷ XX, ở Hồ Tây còn rất nhiều cà cuống, nhưng bây giờ tuyệt nhiên không thấy đâu nữa.
Liên tục nhiều thế kỷ, các triều đại quân chủ cho dân chúng quanh hồ được tự do đánh cá coi như hoa lợi của làng nhưng sau này thì mọi chuyện lại khác. Sông Thiên Phù biến mất rồi sông Tô Lịch cũng bị lấp dần, nguồn nước đem theo phù sa và thủy sinh màu mỡ từ sông Hồng vào không còn, Hồ Tây chỉ còn có thể trông chờ vào yếu tố “nhân tạo”.
Sau khi Pháp xâm chiếm Hà Nội thì mọi chuyện có nhiều thay đổi. Năm 1889, chính quyền thành phố bắt đầu đấu thầu việc khai thác Hồ Tây chứ không còn được tự do kiếm lợi từ nơi đây nữa. Ai trả cao hơn sẽ là người có quyền vừa được đánh cá, vừa được khai thác sen… Nói tóm lại là được làm mọi thứ trong thời gian trúng thầu của mình và thủy sinh của Hồ Tây bây giờ hoàn toàn phụ thuộc vào những người trúng thầu. Đương nhiên, cơ chế này không làm hài lòng những cư dân sinh sống ven hồ. Nguồn hoa lợi từ hàng trăm năm nay không còn mà buộc phải “mua vé” để có thể tiếp tục công việc của mình nên rất nhiều người đã bỏ làng, bỏ nghề.
Ngoài ra, cũng về chuyện thủy sinh, còn một thứ “đặc sản” được tạo ra bởi sự hiểu nhầm. Đó là ốc Hồ Tây. Nhiều người truyền tai nhau cho rằng, đã lên đến Hồ Tây là phải ăn bánh tôm rồi bún ốc, thế mới là cách thưởng thức đúng điệu song tất cả đều đã nhầm. Nói về bún ốc, ở Hà Nội chỉ có hai làng nổi tiếng với truyền thống của mình. Một là làng Pháp Vân với bún ốc nóng, còn lại là làng Khương Thượng với món bún ốc nguội. Còn về lý do mọi người hay nhầm lẫn, phải hiểu được rằng: “Nói bún ốc Hồ Tây là người ta nói bừa, nói ẩu vì con ốc Hồ Tây thì mãi đến năm 1960 của thế kỷ trước, công ty cá Hồ Tây mới xuống Ninh Bình, Hà Nam mang về thả cho cá trắm ăn thì mới sinh ra con ốc Hồ Tây, chứ trước đây cũng có nhưng rất ít chứ không thể thành đặc sản như cá chép đen hay cà cuống”.
Bên cạnh sen, Hồ Tây còn được biết đến với một loài hoa khác cũng được xem như một biểu tượng của Hà Nội, đó là những cây đào đỏ thắm sắc xuân. Theo truyền thuyết, ngày 5 tháng Giêng, sau khi đại phá quân Thanh, vua Quang Trung từng sai lính chạy ngựa từ Thăng Long mang một cành đào Nhật Tân về Phú Xuân tặng vợ yêu là công chúa Ngọc Hân.
Đối với gốc gác xưa của làng đào Nhật Tân phải nói là đã rất lâu đời rồi. Khi ấy, có An Nam độ hộ phủ đóng ở vùng nay và lính nhà Đường sang đây không biết bao giờ mới trở về bởi họ phải đi theo niên hạn, không có cái gì tính thời gian nên mới trồng hoa đào. Hoa đào cũng không phải mang từ Trung Quốc sang mà là họ lên dãy Hoàng Liên Sơn lấy hoa đào rừng mang về trồng. Cứ mỗi mùa hoa đào nở thì họ biết đấy là một năm. Và qua mấy mùa đào thì họ biết mình đã ở bao lâu, từ đó mới sinh ra làng đào Nhật Tân. Nhưng thời đó cũng chỉ là trồng chơi chứ chưa thành làng chuyên trồng đào. Mãi đến cuối thế kỷ 19, Nhật Tân mới chính thức trở thành ngôi làng chuyên trồng đào.
Năm 1801, chúa Nguyễn Ánh đem thủy quân đánh kinh đô Phú Xuân, vua Tây Sơn là Nguyễn Quang Toản phải bỏ chạy ra Thăng Long. Ở đây Nguyễn Quang Toản sai đắp đàn Phương Trạch tại hồ Tây để làm lễ tế trời đất, sai Nguyễn Huy Lượng là Chương lĩnh hầu, giữ chức quan Phụng nghị bộ Lễ, soạn một bài phú, đọc trong lễ tế. Và bài Tụng phú Tây Hồ được Nguyễn Quang Toản rất tâm đắc nên ban thưởng cho Lượng hai quan tiền đồng.
Tụng phú Tây Hồ có câu ngắn, câu dài, lại độc vận (vần hồ) khiến người đọc say mê, rù rì đọc từng chữ, từng câu. Dư âm của nó quấn quýt mãi không rời. Những từ láy lần đầu phát ra từ bài văn chẳng bao giờ lặp lại đã mô tả mọi khía cạnh của hồ Tây, từ lịch sử, cảnh đẹp đến các truyền thuyết cổ xưa, sản vật… Bài phú được dân Thăng Long truyền miệng và sợ quên nên ai ai cũng chép bài thơ này khiến giá giấy và giá mực tăng vọt.
Bài phú mở đầu như thế này:
Lạ thay cảnh Tây hồ!
Lạ thay cảnh Tây hồ!
Trộm nhớ thuở đất chia chín cõi,
Nghe rằng đây đá mọc một gò
Trước Bạch Hồ vào ở đó làm hang, Long vương trổ nên vùng đại trạch,
Sau Kim Ngưu do vào đây hóa vực, Cao vương đào chặn mạch hoàng đô
Tiếng nghe gọi Dâm Đàm, Lãng Bạc,
Cảnh ngầm in tinh chử, băng hồ
Sắc rờn rờn nhuộm thức lam xanh, ngỡ động bích nổi lên dòng lẻo lẻo,
Hình lượn lượn uốn vòng trăng bạc, tưởng vầng ngân rơi xuống mảnh nhò nhò…
Hay như:
Tòa Kim Liên sóng nổi mùi hương, chùa Trấn Quốc tưởng in vùng tĩnh phạn
Hàng cổ thụ gió rung bóng lục, tràng Phụng Thiên nhận sẵn thú Nghi, Vu
Dấu Bố Cái rêu in nền phủ
Cảnh Bà Đanh hoa khép cửa chùa
Trông mơ màng dường đỉnh Thứu nơi kia, vài tổ thước cuối làng kêu chích chích,
Nghe phảng phất ngỡ động Đào mai nọ, mấy tiếng gà trong trại gáy o o
Lò Thạch Khối khói tuôn nghi ngút ,
Ghềnh Nhật Chiêu sóng giật ì ồ,
Rập rềnh cuối bãi Đuôi nheo, thuyền thương khách hãy chen buồm bươm bướm,
Thanh lảnh đầu hồ Cổ ngựa tháp cao tăng còn hé cửa tò vò.
Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co…
Năm 1802 triều Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Huy Lượng bị bắt khi đội quân nhà Tây Sơn rút khỏi Bắc thành. Trung thần Tây Sơn là Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích bị giải đến Văn Miếu làm nhục. Nhậm bị đánh trọng thương về đến nhà thì chết. Tổng trấn Bắc thành là Nguyễn Văn Thành định giết Lượng nhưng có người khuyên không nên giữ lại dùng vì Lượng có tài văn chương. Nghe lời khuyên, Nguyễn Văn Thành không giết mà cho Lượng làm tri phủ Xuân Trường (Nam Định). Nhân Nguyễn Ánh lên ngôi vua, Nguyễn Văn Thành tổ chức lễ mừng ở Bắc thành đã sai Nguyễn Huy Lượng làm bài văn tế các tướng sỹ nhà Nguyễn trận vong. Bài văn tế do Lượng soạn rất lâm ly, tụng ca công trạng của tướng sỹ chúa Nguyễn đã tiêu diệt nhà Tây Sơn thế nào. Khi đọc ai cũng khen bài văn tế tuyệt tác. Các nhà Nho đương thời dù phục tài thơ Lượng nhưng chê bảo Lượng không phải là người tiết tháo, nhà Nho trượng phu thì “Uy vũ bất năng khuất”.
Khi đọc Tụng phú Tây Hồ, Phạm Thái vốn phù Lê chống Tây Sơn, nể phục văn chương của Lượng song ghét Lượng từng phù Lê nay xu thời phù Tây Sơn đã họa lại và lấy tên là Tụng chiến Tây Hồ với cùng số câu, cùng vần. Về hình thức Tụng chiến Tây Hồ đối chọi từng câu từng chữ với Tụng phú Tây Hồ, về nội dung thì bác bỏ, có khi thóa mạ…
Cho đến ngày nay, Tụng phú Tây Hồ vẫn nguyên vẹn giá trị nghệ thuật. Nhưng thêm vào đó nó còn có giá trị lịch sử. Bởi khi đọc bài phú có thể hình dung Thăng Long qua các gia đọan và hồ Tây thế nào. Ví dụ đọc câu Lò Thạch Khối khói tuôn nghi ngút ta biết Thạch Khối xưa có lò nung vôi và các lò vôi nằm sát đê Yên Phụ (đoạn đầu đường Thanh Niên hiện nay) nhưng do cát bồi và sông Hồng đoạn này đã đổi dòng.
Phải khẳng định lại một lần nữa, Hồ Tây có tầm vóc cực kỳ trọng yếu xuyên suốt các thời kỳ lịch sử của Thăng Long, Hà Nội. Nó là nơi sản sinh ra, lưu giữ lại và tiếp tục phát triển các giá trị vật thể và phi vật thể của thủ đô.
Thực tế, thời Pháp thuộc, ngay trong các dự án quy hoạch lại Hà Nội, người Pháp đã xác định chọn Hồ Tây là trung tâm của Hà Nội sau này. Thậm chí bản quy hoạch năm 1943 đã được Toàn quyền Đông Dương phê duyệt nhưng đáng tiếc, sự có mặt của quân Nhật đã khiến toàn bộ kế hoạch không thể triển khai. Sau này, trong quy hoạch Hà Nội năm 1992, được chính phủ phê duyệt, người ta đã xác định sẽ xây dựng Hồ Tây thành khu du lịch tầm cỡ nhưng thực tế thì cũng chưa làm gì cả. Các công trình tự phát mọc lên như nấm, một số làng trong quy hoạch được giữ lại như Yên Thái, Võng Thị thì không giữ được, nhà cửa xây bừa bãi, đất bán hết khiến nó không còn vóc dáng một ngôi làng cổ nữa và tất cả những mục định khai thác trong quy hoạch bị phá vỡ và cũng không còn đất để mà thực hiện.
Ví dụ như ngay bây giờ Hồ Tây cần một khu vui chơi giải trí đẳng cấp, xứng tầm thủ đô chứ không phải là một công viên nước bao năm không thay đổi. Trước đây khi vực đó toàn là ruộng nhưng sau này đến năm 1995, tức là cách đây 24 năm, lập ra một công ty của thành ủy và tiếp tục xây dựng một khu vui chơi dưới nước, tuy nhiên, cho đến bây giờ vẫn chỉ thế thôi. Thực tế, hiện tại công viên nước sống chính bằng bán hàng ăn và làm nhà cho thuê xung quanh. Nhưng nơi đó lại thiếu những hoạt động diễn ra quanh năm, mùa hè còn bơi được, trượt nước được nhưng mùa đông thì phải làm gì?
Để khai thác được Hồ Tây đúng với giá trị của nó đem lại, trước nhất điều bây giờ cần có là một bảo tàng về Hồ Tây. Đó sẽ là một nơi người ta đến để biết về lịch sử Hồ Tây, qua đó biết 1 phần lịch sử Hà Nội, 1 phần lịch sử Việt Nam và biết được cả về tâm thức của người Việt. Trong đó có phải sen Hồ Tây, phải có thủy sinh, phải có đình, chùa… phải lưu lại tất cả những giá trị xưa.
Có thể bạn quan tâm